Tôi (vui mừng) bị cận năm lớp 3.
Đó là năm đầu tiên tôi chuyển về tiểu học Qifa (Singapore) sau vài năm ở Châu Âu, và như mọi đứa trẻ bình thường, tôi khao khát được tập thể chấp nhận, được cảm thấy “thuộc về.”
Việc học thì đơn giản. Châu Á mà, đẻ ra đã giỏi toán sẵn. Những thứ khác, như việc phải dậy lúc 5 rưỡi sáng bắt xe buýt trường, lại rất khó. Rồi thì đến việc chơi – muốn chơi với người ta thì phải tỏ ra giống người ta. Tôi bắt đầu nói Tiếng Anh theo giọng của người Singapore trong khi tôi biết chắc giọng thường của tôi đã là Tiếng Anh chuẩn. Tôi thêm “Lah” “Meh” và các từ cảm thán tương tự vào mọi câu nói, nhiều khi sử dụng sai bối cảnh, và nhiều đến mức có đứa còn hỏi tôi “Sao cậu nói “lah” nhiều thế?” Nhưng có sao đâu. Thà nói thừa còn hơn nói thiếu, phải không?
Chỉ sau vài tuần, tôi đã nhanh chóng hòa đồng và trở thành một học sinh tiểu học Singapore hạng superfake! Nhưng có duy nhất một thứ tôi chưa bắt chước được: lớp tôi gần như ai cũng cận thị… còn tôi thì lại không.
Singapore là một trong những đất nước với tỉ lệ cận cao nhất thế giới – 83% người trẻ bị cận thị. Và lúc đó suy nghĩ duy nhất trong đầu tôi là: “Nếu không đeo kính, tôi chưa thuộc về cộng đồng này.”
Vậy nên, trái ngược với ước nguyện của bố mẹ, tôi quyết định làm mọi cách để bị cận. Tôi đọc sách khi trùm chăn, cúi gằm mặt xuống khi làm bài tập, nằm xem ti-vi, nheo mắt, rồi đeo “trộm” kính của bố để tăng độ. Rồi đến khi nhận được kết quả khám mặt tháng sau, tôi thì vui mừng bao nhiêu thì bố mẹ kinh hoàng bấy nhiêu. Tôi đã thành công!

Sáng hôm sau, tôi khoái chí đến lớp với cặp kính sắt, chữ nhật màu đỏ trị giá $128. Hồi đó như vậy là mốt. Nhưng những người bạn cùng lớp chỉ hứng thú được với nó trong 5 phút, sau đó họ quay lưng làm tiếp công việc của mình. Còn tôi… Hơn chục năm sau tôi vẫn cận. Hậu quả của việc cố gắng “thuộc về” một cách ngốc nghếch này sẽ ám tôi cả đời.
Rốt cuộc, cặp kính chẳng làm cho tôi hạnh phúc, và việc cố gắng làm theo các bạn cũng không khiến tôi “thuộc về” hơn. Đôi khi đám đông có lý, đôi khi không. Nhưng việc phải cố gắng làm giống hệt người khác, đặc biệt là khi ta phải thay đổi bản thân quá nhiều hay đi ngược lại với giá trị cốt lõi của mình… thì không bao giờ là đúng.
Tôi nhận ra rằng khi lớn lên, chúng ta sẽ đều đối mặt với nhiều “cặp kính” khác. Đó là những khoảnh khắc ta phải quyết định xem nên làm giống đám đông với hy vọng sẽ “thuộc về”, hay nên chọn lối đi riêng.
Liệu ta có sẵn sàng xa lánh một người bạn cả lớp đang tẩy chay, chỉ vì không muốn khác người?
Nếu công ty của ta làm những điều không đúng với giá trị của bản thân, liệu ta có dám đứng lên và rời bỏ… hay ta sẽ tiếp tục cúi mặt, cố chấp nhận để không “bị trú”?
Nếu gặp những bất công bằng xã hội, ta có dám lên tiếng bảo vệ nạn nhân hay sẽ lờ đi, bước qua để không to chuyện?
Nếu khởi nghiệp, ta có sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, đi trên con đường chưa ai từng đi?
Trước những lựa chọn của cuộc đời, mỗi người sẽ tìm cho mình con đường riêng. Nhưng dẫu bạn có chọn làm gì, tôi mong điều ấy sẽ đến từ chính trái tim bạn, đúng với giá trị của bạn, và rằng bạn sẽ không bao giờ phải nuối tiếc.
Câu chuyện và hiện vật của tôi đóng góp cho Triển Lãm Quán Dịu Mờ (Belonging Museum) của TeamX Hanoi ngày 29/9-2/10 tại OUR Hanoi vừa qua.
Cảm ơn các TeamX đã cho Vicky cơ hội để là một phần của dự án.









Các bức ảnh tại triển lãm Quán Dịu Mờ.