Dreamlog 1: Người Đàn Bà Uống Cả Đại Dương.

Photo: Victoria Siemer

Tôi có cảm giác con người có khả năng đứng trên ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo, giữa sự tỉnh táo và mê hoặc, giữa sự rõ nét và mông lung. Cảm giác ấy đến với chúng ta vào hai thời điểm: một là khi ta đang phê, hai là khi ta đang tiến vào giai đoạn cuối của giấc mơ, hoặc vừa ngái ngủ tỉnh dậy. Trong bài viết này tôi nói đến trường hợp thứ hai. 

Bạn hiểu tôi đang nhắn đến cảm giác nào, phải không? Đó là khi bạn đang mơ, bạn cảm nhận được diễn biến của nó chạy trong đầu bạn. Nhưng có vẻ ở thế giới thực thì trời đang sáng và cơn ngái ngủ của bạn đang dần vơi đi. Bạn cảm nhận được những tiếng động của thực tế đang len lỏi vào trong giấc mơ, như tiếng chân đi lại, hay tiếng nói lào xào đâu đó ở phòng bên. Tự nhiên, bạn ý thức được mình đang ở trong giấc mơ nhưng vẫn bỏ ngoài tai những tiếng động, cố gắng mơ tiếp. 

Có lẽ đó là một giấc mơ rất hay. Tôi đã từng mơ mình đi thám hiểm với năng lực của một siêu anh hùng, và khi đối diện với thực tại làm một người bình thường với một chồng bát từ đêm hôm trước chưa rửa, đương nhiên tôi sẽ chọn làm siêu anh hùng, dù chỉ cố được thêm một chút. Đã không ít lần tôi tỉnh dậy sau một giấc mơ, rồi hết sức bối rối cố quay lại thế giới của giấc mơ đó. Tuy vậy, cảm giác đứng ở ranh giới cái thực và cái ảo là một cảm giác hết sức khó tả. 

Tôi “tỉnh” dậy giữa tiếng nước. Trong giấc mơ của tôi, trời đang tối và tôi nằm trên một bãi biển với những làn sóng nhẹ tạt vào bờ. Trên thực tế, tôi đang nằm trên tầng 2 của một cái giường tầng và ngoài trời đang đổ một cơn mưa to khủng khiếp. Đó là một trận mưa rầm rộn, ào ạt mang cái lạnh ngắt của mùa đông. Mưa đổ xuống nhanh và mạnh đến mức tôi còn không rõ đó có phải là mưa hay không, hay là tiếng nhiễu của đài không có sóng, hay là một tràng vỗ tay cho một nghệ sĩ nào đó. Ai đã biểu diễn mà được vỗ tay ào ào như thế? Lang Lang ư? Hay là Mozart nổi lên từ mộ của ông ta và đánh đàn lại? Nhưng thế có khi người ta lại sợ, bắn súng “bằng bằng” chứ không phải vỗ tay “ào ào.”  

Tiếng nước vọng lại từ xa. Tôi tưởng tượng ra được sự lớn mạnh của nước, nhưng chỉ nghe được nó ở một âm thanh bé tẹo khiến tôi cảm thấy nhỏ bé và xa cách vô cùng, như một hạt bụi giữa cơn bão, có thể tan vào gió bất cứ lúc nào. Nếu đây là một bộ phim, ở cảnh này camera sẽ zoom dần dần ra khỏi mặt tôi, đến khi thấy cả người tôi, rồi zoom ra nữa đến khi tôi chỉ còn là cái chấm tí hon, rồi đến khi chẳng thấy tôi nữa và cái flycam đạt đến giới hạn độ cao. 

Nhưng thật ra tôi đâu có một mình. Ở tầng dưới, bà và em gái tôi đang ngáy ò ò. Bà cũng hiên hữu trong giấc mơ của tôi, cũng ngồi trên bãi biển ấy tuy không gần tôi. Bà ngồi ngay cạnh mặt nước cùng một người con dâu (người tôi lẽ ra gọi là “mợ” nhưng tôi đã gọi bằng “cô” mấy năm nay vì tôi có ác cảm với từ “mợ”). Màn đêm yên ắng, chỉ có sự chuyển dịch của sóng và ánh sáng của một vầng trăng khổng lồ đến bất thường dọi xuống. 

Bỗng cô của tôi nói: 

“Mẹ ơi, con khát nước quá.”

Và rồi bà của tôi đáp:

“Vậy để mẹ lấy nước cho con uống.” 

Và như một ảo thuật gia, bà rút từ trong không khí ra một chiếc cốc và múc nước từ ngay cạnh cho cô tôi uống. 

Ực ực ực…

Cô tôi đang uống nước mặt trăng, nước của cái ánh sáng kỳ diệu đang rọi lên thiên hạ. Cô đang uống nước của biển, trôi đến từ một nơi chẳng ai biết.

Ực ực…

Khéo khi cô đang uống nước trôi từ bờ bên kia trái đất sang nhỉ? Dòng nước ấy sẽ mang những câu chuyện và tấm lòng của các mảnh đời cô chưa từng gặp mặt. Không biết khi cô uống nước, cô có cảm nhận được nỗi buồn đau, niềm hạnh phúc của họ không nhỉ? 

Mà sao cô uống lâu thế! Uống mãi chẳng hết!

Cô nâng cái cốc lên. Miệng của cái cốc hình tròn, khớp với mặt trăng, còn làn nước chéo nghiêng bấp bênh theo nhịp thở của cô thì khớp với biển. Đến một lúc tôi nhận ra cô không còn uống từ cái cốc nữa mà đang uống chính biển! Nhưng nước biển là nước mặn, càng uống càng khát. Và vì là nước biển nên có bao giờ hết đâu? Vậy nên cô chẳng dừng, cô cứ uống, uống mãi…

Và trong thực tế, cô càng uống, tôi lại càng khát. Không biết là do tôi lỡ hà mồm và nước bọt đã bay hơi hết mất tiêu, hay do tôi phải chịu ảnh hưởng từ những hành động của cô vì cô chỉ là một phần của trí tưởng tượng của tôi nữa. Khi tỉnh dậy mồm tôi đang khô cong (còn chẳng nuốt được nước bọt.) Tỉnh dậy, rồi dần chuyển từ sự bao trùm của tiếng sóng sang tiếng mưa. Tôi nằm tê liệt một hồi rồi cũng bò ra phòng khách lấy nước. Nược… tôi cần nước… Tôi rót và uống. Với mỗi ngụm nước mát lạnh, dường như sự sống được rót lại vào người tôi. Trong lúc ấy, có lẽ tôi cũng như cô, cảm thấy có thể uống được cả đại dương, nhưng tôi thì biết điều hơn giấc mơ một chút và đến cốc thứ 3, tôi dừng. Tôi có cảm giác như cốc nước ấy là vé của tôi từ thế giới ảo sang thế giới thực, và giờ đã đến nơi là thôi.

Rồi tôi ra cửa sổ ngắm mưa. Mở cửa ra tiếng càng lớn, và tôi nhận ra ngay lập tức tôi chẳng tách biệt, xa lánh với tiếng dào dạt ấy. Nó ngay cạnh tôi. Thậm chí, chỉ cần đứng sang bên phải 3 mét thôi là tôi cũng ướt như con chuột chũi chứ lại…

Tôi nghe Sigmund Freud nói rằng những giấc mơ là sự thỏa mãn (ngụy trang) của những ước muốn dã bị truất bỏ, dồn nén (“The dream is the (disguised) fulfillment of a (suppressed, repressed) wish.”) Vậy thì cái giấc mơ củ chuối kia đại diện cho mong muốn vô thức gì cơ chứ? Chẳng nhẽ là mong muốn uống nước? Nó đang dí súng vào đầu tôi, thì thầm bằng giọng nói đe dọa là “Stay hydrated or else…” hay gì? Hay là mong muốn được hòa tan vào cuộc sống, vào một cái gì to lớn? Sự chênh lệch giữa muốn làm một “ai đó” (somebody) có thể tác động đến người khác, với muốn làm “không ai cả” (nobody) có thể hòa vào mây gió, xuất hiện và biến mất bất cứ lúc nào lớn lắm nhỉ. Tôi muốn cả hai thì sao? Tôi cũng chưa biết nữa. Mà tôi cũng có đọc Freud đếch đâu? Chỉ nghe qua một cậu bạn đang viết luận văn về ông ta và những giấc mơ, đã nói chuyện với tôi vì nghe bảo tôi hay mơ lạ, lung tung. Tôi cũng đinh tải quyển “The Interpretation Of Dreams” đọc vì bìa có con chim rất xinh, nhưng đang có một chồng sách chưa đọc hết đang đợi đây này. 

Thế rồi tôi vào phòng ngủ tiếp. 

04/02/2020.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: