Từ khi COVID-19 bùng nổ, mình dành rất nhiều thời gian ở nhà cùng các em và ngoài việc chơi boardgame, vẽ tranh hay nấu ăn cùng nhau ra thì chúng mình còn… đọc rất nhiều sách! Nhà mình có một cậu nhóc 6 tuổi và một chị lớn 11 tuổi rưỡi. Cả hai đứa đầu ngấu nghiến đọc truyện, cứ hở ra là chúi mũi vào sách.
Mình viết bài này để chia sẻ những đầu sách ngắn hay nhất, gây cười nhất chúng mình đã đọc trong mấy tháng vừa rồi. Ai cũng thích trẻ con đọc sách, nhưng lại hiếm có “reviewer” nào đi bình luận về sách thiếu nhi. Mình mong rằng những đầu sách mình giới thiệu sẽ đem lại thật nhiều niềm vui cho các nhóc trong cuộc đời các bạn, y như nó đã làm với chúng mình.
1. Cuốn sách không tranh – B.J. Novak (The Book With No Pictures)
Keyword: Hài hước, giải trí, interactive.
Xin thề, mình chưa từng thích cuốn sách trẻ con nào như này. Đây là một trong những truyện mình bị bắt đọc đi đọc lại mấy chục lần rồi, và lần nào đọc em mình cũng cười phá lên như lần đầu. Đúng như tên gợi ý, cuốn sách không có một bức tranh nào, nhưng điều thú vị nằm ở chi tiết khác…

Cuốn sách bắt người đọc (thường là người lớn) nói lên những câu rất củ chuối với các giọng điệu dở hơi khiến ai cũng bật cười. Cậu bé cứng rắn nhất cũng phải phì cười khi nghe thấy người lớn hát “Bò bó bo… mặt tôi giống con bòooooooo” 😅 Với cuốn sách này, màu sắc, kích cỡ và cách trình bày của chữ góp phần tạo cảm giác khác nhau và nhiệm vụ của bạn là đọc đúng sắc thái đó (như kiểu chữ to dần thì bạn cũng phải tăng volume dần). Mấy nhóc nhà mình khoái nhất đoạn mình phải đóng giả làm con khỉ và nói giọng khỉ robot. Nghe hơi khó hình dung, nên mình đính kèm video tác giả đọc cuốn sách này bằng Tiếng Anh nhé.
Vấn đề duy nhất mình có với cuốn sách này là mình thấy bản dịch Tiếng Việt không buồn cười bằng bản gốc (VD: Từ “Boo-boo Butt” Tiếng Anh buồn cười hơn “Ê-ê-mông” Tiếng Việt rất nhiều) nhưng đây cũng không phải vấn đề quá lớn, vì nếu người đọc có những biểu cảm hài hước thì cuốn sách vẫn sẽ phát huy được đúng tác dụng.
Link mua: Tại đây.
2. Chú Sâu Háu Ăn – Eric Carle (The Very Hungry Caterpillar)
Keyword: Động vật, giáo dục, đồ ăn.
Tiếp theo, chúng ta đến với Chú Sâu Háu Ăn của Eric Carle. Mình được cô giáo đọc cho cuốn này lần đầu khi mình khoảng 5 tuổi. Lúc ấy còn đang bập bẹ Tiếng Anh, chưa hiểu hết mọi thứ nhưng mình bị mê hoặc bới những bức tranh quá đẹp và rực rỡ. Ngoài ra, sách có rất nhiều lỗ trong các trang giấy và đứa nào trong lớp mình cũng tranh nhau trọc tay thử vào lỗ đấy.

Cuốn sách kể về hành trình của một chú sâu nhỏ từ khi vừa nở ra từ trứng, tới giai đoạn tạo kén, rồi đến lúc hóa thành bươm bướm. Trong cả tuần đó, chú sâu nhỏ rất háu đói và đã ăn mọi thứ chú tìm thấy (chú ăn rất nhiều đồ ăn nhanh, khiến chú bị đau bụng). Mình thấy quyển này sẽ phù hợp với những đọc giả nhỏ tuổi hơn và đặc biệt hữu ích trong việc giúp các bé nhận biết màu sắc khác nhau, các ngày trong tuần, các món đồ ăn, và hiểu thêm cả về vòng đời của bướm nữa. Bọn em mình đọc xong cuốn này thích quá còn đi cắt giấy, vẽ hình để “đóng kịch” lại hành trình của chú sâu rồi bắt cả nhà xem, cứ “ăn” đến cái gì là chúng nó kêu “Nhoằm nhoằm nhoằm” rất to.
Chú Sâu Háu Ăn là một cuốn sách có tính giáo dục rất cao, nhưng những kiến thức được truyền đạt một cách quá tự nhiên khiến các bé không nhận ra mình đang học mà chỉ hóng xem chú sâu định ăn gì tiếp. Nó như một câu truyện về sự trưởng thành với một thông điệp ẩn mà tác giả Eric Carle muốn gửi đến: “Như chú sâu bé nho, trẻ em sẽ lớn lên và dang rộng đôi cánh.”
Link mua: Tại đây.
3. Ở Nơi Quỷ Sứ Giặc Non – Maurice Sendak (Where The Wild Things Are)
Keyword: Hài hước, yêu thương, nghịch ngợm, quái vật.
Sau hơn 50 năm xuất bản, cuốn sách đoạt giải Caldecott Medal Ở Nơi Quỷ Sứ Giặc Non của Maurice Sendak vẫn đứng trong top đầu các cuốn truyện thiếu nhi hay nhất thế giới. Mình vẫn còn nhớ lần đầu tiên mình nghe truyện này, hồi đó mình học lớp 2 và cô giáo đọc cho cả lớp. Mắt ai cũng tròn vo, đứa thì co rúm lại vì sợ các “quỷ sứ giặc non” nhưng đứa thì nhỏm dậy, cố nhìn thật rõ chuyện.
Câu truyện kể về Max, một cậu bé tinh nghịch, một hôm lên cơn giận nên bị mẹ phạt lên trên phòng mà không được ăn bữa tối. Trí tưởng tượng của Max đưa cậu vào rừng sâu, qua biển cả, tới một hòn đảo có rất nhiều con quái vật nghịch ngợm y chang cậu! Max được tôn làm “vua quỷ sứ giặc non” nhưng cuối cùng cậu vẫn thấy có gì đó thiếu thiếu… và tự dưng rất nhờ mẹ…
Có quá nhiều thứ tuyệt vời về cuốn sách này, từ cách capture được trí tưởng tượng rất kì thú của trẻ, đến việc xây dựng viễn cảnh cực hay, tranh thì đẹp nhưng cũng rất độc, và đương nhiên, kể cả khi mình có hư ơi là hư thì mẹ vẫn yêu mình…
Link mua: Tại đây.
4. Chỉ Là Sách Thôi – Lane Smith (It’s a Book)
Keywords: Sách, động vật, công nghệ.
Chỉ Là Sách Thôi kể về cuộc trò truyện giữa chú lừa con rành công nghệ và chú khỉ con yêu đọc sách. Có vẻ như lừa con chưa từng thấy quyển sách bao giờ và chú có rất nhiều câu hỏi. “Cuốn sách của cậu có cần password không?” Lừa con hỏi. “Nó có cần wifi không? Liệu có cần sạc pin không?”
Qua những câu hỏi ngây thơ, đôi khi còn hơi củ chuối, lừa con và đọc giả nhí cùng nhau khám phá ra được niềm vui của việc đọc sách—một thứ lừa con không bao giờ nghĩ mình sẽ làm! Đây là một truyện khá thú vị để đọc trong thời đại này, khi công nghệ ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong cuộc sống và chúng ta cần một cái nhắc nhở về các thứ khác… (ehem… sách…) Chắc hẳn nhiều đứa bé đã quen với việc “scroll” trên iPad, hay “login” vào các trò chơi nên cũng “get the reference” rồi. Hãy đọc thử và xem thính giả nhí của bạn biết được bao nhiêu thuật ngữ công nghệ nhé!
Link mua: Tại Đây.
5. Hop On Pop – Dr. Seuss
Keyword: Rhymes, Fun, Silly, Quyển này Tiếng Anh nhé cả nhà…
Dr. Seuss là một trong những tác giả viết cho thiếu nhi được yêu thích nhất thế kỷ 20, nổi tiếng với những tác phẩm như The Cat In The Hat hay Green Eggs And Ham. Điều mình thích nhất ở Dr. Seuss là chuyện của ông cực dễ đọc, và đọc cực vui: ông sử dụng từ ngữ phổ biến nhất, kết hợp với vần, nhịp và thậm chí cả giai điệu, có thể khiến mình HÉT LÊN! Hoặc chậm lại… và đặc biệt là các tình huống truyện luôn rất kỳ quặc và thú vị.
Hop On Pop vô cùng phù hợp với những đứa trẻ mới tập đọc Tiếng Anh vì cuốn sách luôn ghi trước những từ quan trọng rồi mới vào truyện như ở ví dụ dưới:

Mình thấy điều này hay cực kì, vì nếu bé biết phát âm từ “All” thì có thể đoán cách đọc từ “Ball” hay “Fall” dù có thể chưa hiểu nghĩa. Ít nhất với em trai mình, việc nó “đoán mò” được cách đọc nhiều từ đến vậy đã khiến nó cảm thấy oai như cóc và kết cục là nó học thuộc cả quyển sách. Đọc xong cuốn này, chúng mình đã cùng nhau “cày” thêm các cuốn khó hơn của Dr. Seuss (cuốn nào cũng hay nên coi như mình recommend hết tất luôn nhé haha).
Cuốn này (cùng với 7 cuốn nữa tại đây) bán bản song ngữ. Rất may là có song ngữ, vì nhiều cuốn khác chỉ có Tiếng Việt thôi mà sách Dr. Seuss mà dịch sang Tiếng Việt hầu hết là dở ẹc. Dở ẹc vì không dịch đúng vần, không truyền đạt hết sự hóm hỉnh, không nắm bắt hết được nhịp điệu trong câu từ.
Link mua: Sách Đơn Lẻ, Sách trong Set 8 Cuốn.
6. Tranh Truyện Dân Gian Việt Nam
Keyword: Dân Gian, Việt Nam, Kinh Điển.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy rằng các đầu sách phía trên đều là sách nước ngoài. Sự thật đáng tiếc là đang có quá ít tác giả Việt viết sách thiếu nhi – quanh đi quẩn lại chỉ có truyện dân gian với tuyển tập Bubu, lớn hơn xíu thì có Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, Tuổi Thơ Dữ Dội rồi sách của bác Ánh. Nói chung còn rất thiếu thốn nên toàn phải đi dịch, rồi lại gặp một đống vấn đề như dịch dở hay là sách toàn nói về Tây nên các bé thấy không gần gũi.
Mình rất rất rất mong sẽ có thêm các tác phẩm hay cho trẻ em Việt từ các tác giả người Việt, nhưng cho tới khi điều đó xảy ra, bộ Truyện Dân Gian này vẫn ở trong list vì 1. Truyện cổ tích Việt Nam thật ra rất hay, 2. Mình tin đứa trẻ Việt nào cũng nên hiểu về nguồn gốc và văn hóa của đất nước mình, và truyện dân gian phản ánh rất rõ điều này.

Truyện dân gian Việt Nam cực đa dạng. Những thần thoại kể về những anh hùng như Thạch Sanh hay Thánh Gióng có đủ yếu tố hấp dẫn một đứa bé: yêu tinh đáng sợ, người hùng dũng cảm, động vật biết nói, các vật thần bí (bát cơm Thạch Sanh chẳng hạn)… Những sự tích về các thứ quen thuộc hơn cũng đều có yếu tố “phép thuật” như cây tre mọc trăm đốt hay Chú Cuội ở được trên mặt trăng mà không có oxi. Không hiểu sao, trẻ con nào cũng thích nghe truyện có phép thuật, hay những tình tiết siêu nhiên.
Dù những câu truyện này đã tồn tại hàng ngàn năm, những theme về tình yêu, lòng tham, lòng dũng cảm, hay ý chí vươn lên của con người vẫn xuất hiện trong cuộc sống hiện nay. Người Việt ngày nay vẫn đề cao bộ giá trị được phản ánh trong truyện: yêu gia đình và đất nước, lá lành đùm lá rách, chăm chỉ và khiêm tốn, tháo vát và xử lý tình huống thông minh, rồi đứng về lẽ phải… Chết rồi, mình không biết kết đoạn như nào, nhưng nói chung truyện dân gian không lỗi thời bao giờ đâu.
Link mua: Mua Lẻ / Set 10 Cuốn của NXB Kim Đồng
Và thế là đã hết (hoặc tạm dừng)! Ngoài những truyện ngắn này ra thì chúng mình còn đọc rất nhiều truyện dài cùng nhau: mình sẽ đọc rồi mỗi hôm kể lại cho các bạn ấy một chương. Cơ mà cái đó mình sẽ kể thêm lần sau, còn giờ thì mong mọi người sẽ múc một vài cuốn trong danh sách trên để đọc cùng các con, cháu, hay em của mình.