Cẩm Nang Xin Lỗi

Bao nhiêu năm chúng ta đi học, ai cũng 12 năm mài đít trên ghế nhà trường, vậy nhưng những điều quan trọng nhất trong cuộc sống là xin lỗi và cảm ơn thì lại chẳng được dạy bài bản. Vì con người chúng ta sống phải kết nối với nhau, kỹ năng xin lỗi (tức là kỹ năng chăm sóc các mối quan hệ) quan trọng không kém kỹ năng viết luận hay tính toán doanh thu của công ty.

Thế nhưng tôi lại khá ngạc nhiên với số người lúng túng trong việc xin lỗi cho những truyện nghiêm trọng—những việc có thể gây tổn thương nặng và có khi còn chấm dứt mối quan hệ của bản thân và đối phương. Tôi viết bài này để chia sẻ kinh nghiệm của bản thân là một người đã đi xin lỗi rất nhiều, và cũng được xin lỗi rất nhiều. Nói cách khác: một veteran xin lỗi *facepalm*

I. Xin lỗi để làm gì? 

Câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng vẫn phải giải thích lại. Đương nhiên chúng ta xin lỗi vì có lỗi. Nhưng xin lỗi không phải là để “rửa tay” sau khi gây nên tội ác, cũng không phải để khép lại sự việc cũ để chuyển sáng việc mới. Chúng ta không xin lỗi vì đó là điều “mặc định” phải làm khi sai, hay chỉ để người kia hết tức và đối xử với ta như bình thường.

Chúng ta cần xin lỗi vì chúng ta trân trọng mối quan hệ với đối phương, và ý thức được rằng việc làm của mình đã làm họ tổn thượng. Chúng ta xin lỗi vì chúng ta mong muốn hàn gắn và duy trì mối quan hệ ấy. Đôi khi ta xin lỗi cũng không hoàn toàn vì ta sai—có thể cách hiểu của ta về vấn đề cũng có lý—nhưng vì hành động và cách nói chuyện của ta làm đối phương cảm thấy không được tôn trọng. Nếu không trân trọng mối quan hệ thì khi không xin lỗi và người kia không chơi với mình nữa, mình cũng chẳng quan tâm. Nhưng chính vì mình có quan tâm đến đối phương nên mới phải xin lỗi. 

image

II. Những lời xin lỗi tốt và những lời xin lỗi dở tệ

Khi hiểu rằng chúng ta xin lỗi vì trân trọng người mình đã làm tổn thương và muốn duy trì mối quan hệ với họ, ta nhận thấy một lời xin lỗi tốt là lời xin lỗi làm nổi bật được điều đó. Cụ thể hơn, lời xin lỗi tốt gồm 3 điều:

  1. Sự ý thức và hối hận về lỗi lầm của mình: đối phương phải cảm nhận được rõ ràng là bạn thấu hiểu việc mình làm là không đúng. Quan trọng là phải chân thành. Nhưng không có nghĩa chỉ nhận mình “sai” là đủ, phải biết sai ở đâu, cái sai đấy gọi là gì, vì sao lại sai. Chứ không phải “Mình sai rồi.” “Sai như nào.” “Ừ thì… sai thôi.”
  2. Sự trân trọng đối phương, mong muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ: nếu chỉ nói liền tù tì về bản thân mà không nhắc đến đối phương thì sẽ gây cảm giác là mình chỉ xin lỗi để bản thân mình cảm thấy bớt có tội (guilty), chứ không phải vì thật sự quan tâm đến cảm xúc của đối phương. Vì vậy, bạn phải nhấn mạnh được rằng mối quan hệ giữa hai người có ý nghĩa với bản thân như thế nào, răng bạn yêu quý và tôn trọng đối phương, và bạn không muốn mối quan hệ của hai người sẽ bị phá vỡ vì một lỗi lầm của bản thân. Người ấy phải cảm nhận được sự quan trọng của họ với bạn thì người ta mới sẵn sàng bỏ qua cho bạn. 
  3. Lời hứa không tái phạm, cùng với giải pháp (nếu có): xin lỗi mà chỉ nói xuông thì dù có sướt mướt, văn vẻ thế nào cũng chẳng để làm gì. Nhận lỗi và thể hiện quan tâm không đủ, người đó cần phải biết rằng bạn sẽ không lặp lại hành vi sai trái ấy nữa, hoặc ít nhất là cố hết sức để chuyện ấy không lặp lại. Nếu bạn có thể làm gì để giải quyết hậu quả, thì bạn cũng nói với đối phương những gì bạn sẵn sàng làm để họ thấy bạn đang nghiêm túc với việc sửa sai. Hãy trở thành người đáng tin cạy: nói làm là sẽ làm, nói không làm là sẽ không làm, nói thay đổi là sẽ thay đổi. 
image

Áp dụng 3 điều này, mình sẽ xem xét vài cách “xin lỗi” chưa hợp lý và chỉ ra cách khắc phục:

TH1: Em gái của bạn đang sưu tầm vỏ chai và hộp giấy để xây một ngôi nhà đồ chơi. Bạn tưởng là rác nên đã vứt hết đi, khiến em khóc lóc, dỗi, không chịu ra khỏi phòng.

Rồi rồi…! Chị xin lỗi. Có mỗi mấy cái chai nhựa mà cũng làm um xùm hết cả lên. Em để bừa bộn như đống rác thế ai mà biết được?! Bàn thì như cái chuồng lợn, chị dọn cho còn không cảm ơn thì thôi…

Nghe kiểu xin lỗi đối phó, vênh váo như thế này có tức không?  Khi đi xin lỗi người khác, tuyệt đối không được luồn thêm các lời trách móc, dạy đời vào—như vậy bạn sẽ biến nó thành một màn đổ lỗi, chối bỏ sự sai lệch của bản thân. Hơn nữa, những câu phán xét như “có mỗi mấy cái chai nhựa” cũng có thể gây xúc phạm, vì người kia sẽ cảm giác họ đang bị xem nhẹ và coi thường. Khi xin lỗi, hay luôn tôn trọng sự khác biệt của mọi người và nếu góp ý thì chọn từ ngữ nhẹ nhàng, tuyệt đối không chỉ trích, đổ lỗi. Tôi lấy ví dụ chị-em thôi chứ bạn bè, người yêu cũng vừa xin lỗi vừa đổ lỗi cho nhau suốt! “Tớ xin lỗi vì ___ nhưng chuyện này sẽ không xảy ra nếu cậu không ____!” Nghe mà ngứa tai. Dưới đây là cách xin lỗi hiệu quả, các “checkbox” sẽ được đánh dấu là (1) (2) và (3) theo thứ tự liệt kê ở trên.

(1) Chị xin lỗi vì đã vứt đồ của em đi, chị không thấy em dùng nên tưởng em không cần nữa. (3) Lần sau chị sẽ không tự tiện vứt đồ của em đi nữa, chị hứa đấy! Em tìm mấy thứ đó cả mấy tuần mà chị vứt đi mất luôn, chắc em thấy bất công lắm nhỉ? (2) Chị không cố tình đâu, nên đừng hít le chị nhé, chị thích chơi với em lắm 😦 (3) Hay để tuần này chị giúp em kiếm thêm vật liệu cho cái nhà rồi mình làm cùng nhau, em thấy sao?

Lời xin lỗi trên vừa thể hiện được sự ân hận (chị xin lỗi), sự trân trọng (đừng hít le chị, chị thích chơi với em lắm) và giải pháp (lần sau không tự tiện vứt đồ, sẽ giúp tìm vật liệu mới để xây nhà). Nó dài hơn 1 xíu thôi, nhưng người em sẽ cảm thấy được tôn trọng và quan tâm hơn rất nhiều. 

image
TH2: Anh chàng quên sinh nhật người yêu khiến người yêu tủi thân và buồn trong một thời gian dài. 

“Anh xin lỗi. Anh rất tệ, anh là người đàn ông tồi tệ, ích kỉ nhất thế giới và anh không xứng đáng có em. Anh không hiểu sao anh lại có thể quên được… lần sau sẽ không tái phạm… Anh thật tệ…” 

Chẳng phải anh ta đang cảm thấy rất hối hận và hứa sẽ không làm thế hay sao? Nhìn lướt qua thì có những người sẽ tưởng lời xin lỗi này chấp nhận được, nhưng thực chất đây là một lời xin lỗi rất dở. Đây được gọi là chiến thuật ăn vạ, cố gắng hạ thấp mình hết sức với mong muốn lấy tình thương của người còn lại, mong sẽ nhận được câu “Ôi anh không tệ đâu, anh đừng nghĩ như vậy, không sao mà.”  Chưa kể, đến tận giờ phút này, anh vẫn chưa chúc mừng sinh nhật hay hint tổ chức sinh nhật cho bạn kia!

Lời xin lỗi này không thể hiện được sự trân trọng đối phương, chẳng nhắc đến những giải pháp tốt đẹp mà anh ta có thể mang đến, mà chỉ tập trung vào những điểm xấu của bản thân. Khi xin lỗi, thấu hiểu mình sai là cần thiết, nhưng nếu chỉ nói về nhược điểm của bản thân (và những thứ xấu) thì sẽ khiến bầu không khí càng tiêu cực, không khiến người kia vui lên. Thậm chí, có khi nó còn gợi cho bạn kia suy nghĩ “Ừ, anh không xứng đáng thật, vậy mình chia tay để em yêu người tốt hơn nhé.” Thế lại toang… không được! Mình đã làm đối phương buồn thì giờ cần khiến tâm trạng người ta tốt lên: xin lỗi đi với hành động mà.

Hơn nữa, nó còn phóng đại một cách trắng trợn. “Anh là người đàn ông tồi tệ nhất thế giới” ư? Anh có biết Hitler là ai không? Nếu nói “anh cảm thấy như người tệ nhất thế giới” hay “làm em buồn là một tội ác” thì nghe còn chấp nhận được, nhưng tự nhận mình (tệ) nhất thế giới? Xin anh, những câu phóng đại ấy chỉ hợp lí khi dùng để bày tỏ niềm vui thôi. Phía sau là cách sửa gợi ý:    

(1) Anh xin lỗi vì đã không để ý ngày và rồi quên sinh nhật của em. Anh đã thiếu trách nhiệm và vô tâm, khiến em tủi thân và phải rơi nước mắt. Lúc nào em cũng tỉ mỉ, quan tâm đến anh nhưng đến ngày quan trọng nhất của em anh cũng quên… (2) Anh sai thật rồi, nhưng anh muốn em biết rằng dù anh có làm gì ngu ngốc đi chăng nữa thì em vẫn là người tuyệt vời nhất, người đặc biệt nhất với anh và anh không thể diễn tả được rằng anh yêu thương em như thế nào. Em giận anh cũng được, nhưng anh không muốn mất em đâu. (3) Anh đã làm một việc rất tệ, nhưng hãy cho anh một cơ hội để anh cho em xem anh có thể là người tốt như thế nào, nhé? Mai anh có thể đưa em đi ăn tối, rồi dẫn em đến một nơi rất đặc biệt được không?

Tất nhiên, nó không hoàn hảo, nhưng nó tốt hơn cái đầu gấp nghìn lần… Và ngay sau khi gửi gắm xong lời xin lỗi này thì chắc chắn là phải lao đi chuẩn bị sinh nhât rồi, không bị bỏ cũng hợp lý.

image

Còn có một số kiểu xin lỗi dở tệ khác, như gaslighting, xin lỗi nửa vời, xin lỗi bằng cách “không xin lỗi mà chỉ act như chưa có gì xảy ra” nhưng mình sẽ update dần dần sau.

Ngoài ra, những người xin lỗi chân thành luôn cố gắng thấu hiểu người khác.

Hãy thử tưởng tương xem sai lầm của mình đã khiến người kia cảm thấy như thế nào. Cảm xúc con người rất phức tập. Thứ ta nghĩ chung chung là “cáu” thực chất rất cụ thể… Có thể trong trường hợp này là sự “thất vọng” và cảm giác “bị phản bội” nhưng trong trường hợp khác lại là “không được tôn trọng” và “bất công.” Khi xin lỗi, thay vì xin lỗi cho những điều chung chung, sử dụng những từ ngữ cụ thể sẽ khiến đối phương cảm nhận được rằng mình đang cố thấu hiểu cảm xúc của họ, xem sự việc theo góc nhìn của họ. Trên lớp ta cũng học làm cái này, nhưng nó lại được gọi là “dùng ví dụ cụ thể chứng minh cho luận điểm.” Áp dụng vào đời sống được cả thôi. 

Xem sự khác biệt giữa “Chị để em ở đó một mình chắc em buồn lắm đúng không? Chị xin lỗi nhé, lần sau không bỏ em nữa” và “Có phải lúc chị để em ở đó một mình, em cảm thấy cô đơn và tủi thân không? Chắc ở một mình chỗ toàn người lạ như thế sợ lắm nhỉ, có khi run hết cả chân tay… em quả thật rất dũng cảm đấy! Chị xin lỗi nhé, lần sau không bỏ em nữa.” Tuy có thể mình không hiểu được hết cảm xúc đối phương, nhưng sử dụng ngôn ngữ cụ thể giúp các cảm xúc ấy dễ hình dung hơn nhiều. Nó tạo ra sự gắn kết, giúp ta thấu hiểu để từ đó không tiếp tục phạm lỗi.

image

III. Xin lỗi xong rồi… giờ thì sao?

Thứ nhất, hãy chấp nhận rằng có thể mình sẽ không được tha thứ. Việc xin lỗi là việc của mình, vưà là trách nhiệm cũng như nỗ lực của bản thân mình để sửa sai, hàn gắn mối quan hệ. Nhưng việc có chấp nhận lời chuộc lỗi, sửa sai đó hay không lại hoàn toàn là quyền của đối phương. Dù mình có xin lỗi thiết tha đến mấy, có sẵn lòng làm đủ thứ để giải quyết hậu quả mà đối phương vẫn không muốn tha thứ thì phải chịu thôi. You are not freely entitled to others’ forgiveness and goodwill as you think you are. Just move on and do better. 

Thứ hai, trong trường hợp bạn “pass” và được tha thứ, thì hãy nhớ rằng dù bạn được bỏ qua lần này, thì niềm tin của người kia dành cho bạn cũng đã lung lay. Nếu bạn tái phạm lần nữa thì hậu quả sẽ nặng hơn nhiều.

Vậy nên phải tìm cách xây vững lại mối quan hệ ấy, dù là giúp người kia sửa lại những gì bạn đã làm hỏng, đền bù cho họ cái gì đó, hay dành thời gian và quan tâm tới họ nhiều hơn (một cách giải hòa tốt là đồ ăn). Quan trọng nhất là một khi đã hứa không tái phạm, thì phải cố gắng thật nhiều để thay đổi bản thân nhé! Mọi thứ không kết thúc bằng câu xin lỗi đâu!

Vậy thôi, chúc các bạn xin lỗi thành công nhé!  

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: