Lá Thư Gửi Thầy Bố

Ghi chú: Lá thư này được viết cho người thầy lớn nhất của tôi vào dịp 20/11 năm 2020. Đồng thời, nó cũng là bài dự cuộc thi viết thư “Nhớ Nguồn” của trường Đại Học VinUni, nơi bức thư đã dành được Giải Đặc Biệt. Tôi đăng lên blog để lưu lại cho Thầy Bố vui.


Cho tới thời điểm hiện tại, tôi đã học ở gần 10 trường trên 4 quốc gia, cũng phải qua tay ít nhất một trăm thầy cô. Di chuyển nhiều cộng với việc tính tình tôi vốn hướng nội nên tôi không dễ gì mà trở nên thân thiết với các giáo viên trong trường.

Vậy nhưng lại có một người thầy rất đặc biệt đã đi cùng tôi trong suốt quãng đường này – Thầy tên là Giáp Văn Dương (hình như thầy cũng là bố tôi thì phải). Thầy hay kêu “Bụt Chùa nhà không thiêng” nên nhân dịp 20/11 tôi đã quyết định viết bài này để bảy tỏ lòng biết ơn, cũng như kể vài câu chuyện ngốc ngếch. Từ đây xin phép xưng là “con” cho nó gần gũi, thầy đọc được thấy vui trong lòng.

Thầy Dương,

Dù thầy chưa từng đứng lớp nào trên trường của con, chưa từng chấm điểm hay giao bài kiểm tra nào cho con nhưng cuối cùng, những điều thầy dạy lại là đọng lại lâu nhất. Để con thử tự kiểm tra xem là thấm được đến đâu nhé…

Có những điều thầy dạy rất thiết thưc, như những từ Tiếng Anh đầu tiên của con vậy. Hồi mới chuyển sang Anh, thầy dạy con đọc bằng những cuốn truyện bìa cứng thường dùng cho các em bé (tránh nát sau khi bị nhai), mặc dù con đã học lớp hai rồi! Lúc đó thì hơi tức – ta học hẳn lớp hai mà bị bắt đọc sách em bé! Cơ mà xong thấy còn nhiều từ mới quá nên cũng đành. Có lần phát hiện ra “fish” Tiếng Anh và “Fisch” Tiếng Đức phát âm giống nhau nên con đã nhảy tưng tửng, rất khoái.

Hồi ấy, tối nào thầy cũng đọc truyện cho con nghe, rồi cùng con đọc lại từng câu một. Con vẫn nhớ như in cuốn truyện Tiếng Anh đầu tiên mình tự đọc được, một cuốn Pre-Level 1 trong một bộ tập đọc tên “Go, Spud, Go!” Bây giờ nghĩ lại thì thấy sao cái cuốn đấy chán ẹc mà toàn 5 chữ một trang, thế mà hồi đấy mình đọc xong thấy oai thế! Nhưng cũng chính từ đó mà tình yêu với sách của con được khơi nguồn – một tình yêu theo con đến tận ngày hôm nay. Càng đọc nhiều sách, con càng hiểu ra vẻ đẹp và sự cần thiết của những câu truyện, và cũng ao ước thử viết một thứ của riêng mình. Rồi con đã viết… viết hết từ thơ con cóc đến truyện ngắn (rất dở hơi), đến lời bài hát, đến cả truyện cổ tích. Thầy dạy con rằng, “Sách là người thầy vĩ đại nhất con sẽ gặp được, và ngòi bút là vũ khí lợi hại nhất” (đùa đấy, thầy chả bao giờ nói câu sến sẩm này haha)… Giờ đây, con chẳng thể tưởng tượng nổi bản thân sẽ là ai nếu không được đọc, được viết.

Có những điều khác thầy dạy chẳng liên quan gì đến học hành, nhưng con vô cùng trân quý. Dù bận đến mấy, sáng nào thầy cũng dành thời gian pha trà, đọc sách, ngắm hoa trong vườn. Ngày nào cũng trò truyện với vợ (hình như vợ thầy là mẹ của con thì phải), ăn xong bữa nào cũng nói lời cảm ơn, con vẽ xấu đến mấy đem ra khoe thì cũng khen đẹp. Làm nhà giáo mà lại chưa một lần đòi hỏi con được điểm cao, thậm chí còn bảo con học ít thôi để chơi… Nhưng cuối cùng, văn hóa sống hơi kỳ quặc này đã dạy con rằng cuộc sống rất đẹp, và phải dành thời gian hưởng thụ những niềm vui nhỏ bé thay vì chỉ lao đầu vào công việc. Đến giờ khi sống một mình, có lẽ đây là một trong những điều con biết ơn nhất.

Hai bố con nằm vắt chân đọc sách vào một buổi chiều mát mẻ.

Thật ra kể hết những bài học từ thầy thì quá khó, hơn nữa con cũng đang hơi mỏi tay nên con sẽ kết bằng thứ con thích nhất. Trên hết, thầy cho con can đảm để mơ thật lớn, và cho con niềm tin vào chính bản thân mình. Rất nhiều người lớn có thể khuyên con rằng “Hãy theo đuổi ước mơ của con đi!” nhưng chẳng mấy ai dám làm gương cho con em cả. Ai cũng từ bỏ ước mơ của mình để lo cho con cái với mong muốn rằng con cái sẽ theo đuổi ước mơ của chúng, rồi khi chúng lớn lên thì cũng từ bỏ ước mơ để lo cho con của chúng… Cứ thế thành một vòng luẩn quẩn, kết cục là chẳng ai theo đuổi ước mơ cả. Nhưng thầy đã dám theo đuổi ước mơ của mình, dù nó đòi hỏi phải bỏ lại một cuộc sống ổn định ở nước ngoài, dù có thể thất bại nhiều lần, dù có lúc chẳng ai tin vào mình…

“Bố quay về Việt Nam để viết nên câu truyện của cuộc đời của mình. Bố cần theo đuổi ước mơ của bố, giờ bố không còn nhiều thời gian nữa. Con vẫn còn trẻ, nên con cũng hãy tìm cách để viết nên câu truyện của đời con.”

Nghe xong câu này, con vừa xúc động, vừa được truyền cảm hứng.

Thầy à, con đã bước sang chương mới của đời con rồi và cũng đang cố viết đây. Tuy ban đầu viết hơi non tay, lúc hay lúc dở, lại còn phải viết bài essay nộp cho trường nữa nên chương này đang có vẻ hơi láo nháo. Nhưng rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Con sẽ tiếp túc viết, qua đoạn plot twist, qua đoạn character development, qua thăng trầm, bất chấp con có mỏi tay hay bút có hết mực. Rồi đến 30 năm sau, chúng ta cùng ngồi lại so sánh xem truyện của ai hay hơn nhé 😉

Ngày 20/11, con chúc Thầy và gia đình gặp được những điều tốt lành nhất. Cảm ơn thầy vì tất cả!

Leave a comment