Phiêu Lưu Kì Thú của Trường Quản Trị, VinUniversity – Suýt Ngột ở Kỳ Một

Bài viết cho số Tết của VinMagazine.


Vì một lí do nào đó, khi mới vào trường tôi đã có suy nghĩ rằng “Chắc học Quản Trị sẽ nhàn nhất trong cả ba ngành đây ahaha” rồi thầm lêu lêu đám bạn kỹ sư, bác sĩ vì phải học Tích Phân và Lý Sinh Học.

Kể ra nghĩ thế cũng hợp lý – bác sĩ tốt nghiệp ra phải “gần hoàn hảo” không được mắc sai lầm, mắc sai lầm là có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Còn học quản trị ra thì tôi biết đầy người ngốc, rồi thì kinh doanh xong sai lầm thì cùng lắm mất hết tiền chứ cũng chẳng (hoặc hiếm khi) chết ai. Cộng với việc các bạn tôi học quản trị ở Trường F được mệnh danh là “sinh viên bán thời gian, thành viên CLB full thời gian” cũng như phim Mỹ khắc họa sinh viên quản trị là một lũ chơi bời tiệc tùng đã khiến tôi tưởng rằng chắc học sẽ không quá khó.

Sinh Viên CBM ngây thơ tươi cười ngày đầu tiên đi học. Họ chưa lường trước được rằng mình chuẩn bị phải đối mặt với thứ gì.

Tôi đã nhầm to.

Thứ nhất, trường tôi cấm bia rượu và cũng đang COVID-19 nên chẳng thể nào chơi bời tiệc tùng được. Thứ hai, học quản trị nặng vô cùng, nặng đến mức những ngón tay của tôi đã mọc 6-múi do viết quá nhiều, và não tôi đã trở thành gã nâng tạ siêu cường. Lại còn phải làm toán nữa cơ chứ! Tôi đã chọn học quản trị để chạy trốn khỏi môn toán, nhưng cuối cùng chúng tôi lại học toán nhiều đến mức các kỹ sư bên CECS cũng ngạc nhiên…

Chuyện thật xảy ra ở JB304.

Kết lại, kỳ vừa qua chúng tôi đã đấu vật với 6 lớp rất đáng yêu: Xác suất thống kê (Statistics), Kinh Tế Vi Mô (Microeconomics), Đổi Mới một cách Lượn Lẹo Nhanh Chóng (Agile Innovation), Tiếng Anh (Academic English), Lịch Sử Việt Nam Cổ Đại (kiêm Lịch Sử Đảng) và Lịch Sử Việt Nam Hiện Đại (kiêm Lý Tưởng Hồ Chí Minh).

Có lẽ vì đã quá quen với những deadline dồn dập nên giờ học xong hết rồi tôi cảm thấy hơi trống rỗng. Tuy nhiên, đây là một cơ hội vàng để tĩnh tâm suy ngẫm lại về những bài học sinh viên tại College of Business and Management đã trải qua và cách chúng tôi “lớn lên” sau một kỳ. Phía dưới tôi xin phép chia những bài học ấn tượng nhất từ tất cả các môn ngoại trừ hai môn Sử (để dành cho post khác).

Kinh Tế Vi Mô (Microeconomics)

Năm học bắt đầu với môn Kinh Tế Vi Mô với Thầy Spencer, nhà giáo yêu môi trường và từng làm cả lính cứu hỏa, cả người chăn cừu. Nói tóm gọn, có cái “chợ” (Market) to tướng và môn này xoay quanh cách các nhân vật đưa ra quyết định mua-bán tại chợ sao cho tối ưu nhất. Nhà sản xuất thì muốn lãi nhiều nhất có thể và chiếm được thị trường, người tiêu dùng thì muốn tiêu ít lợi nhiều… còn nhà nước thì đưa ra “luật chơi” để mọi thứ không biến thành cái mớ hỗn độn.

Tất nhiên, cũng phải quan tâm đến tác hại của việc sản xuất/tiêu thụ quá nhiều lên môi trường, nhất là khi ta đang lấy từ một Open Access Resource(tạm dịch là “Tài Nguyên Chung”) như một con sông chẳng hạn. Tôi nhớ có hôm thầy cho chúng tôi chơi trò Câu Cá. Mỗi người sẽ có một cái thuyền (thìa, bát, xô) để câu cá (múc gạo) trong một thời gian nhất định – mục tiêu thì tất nhiên là để “lãi” nhất rồi. Các bạn có thể xem ở đây:

“Tragedy of the Commons” thể hiện thông qua trò chơi câu cá.

Kết cục là vì chúng tôi oánh nhau quá hăng nên đã đánh đổ quá nhiều cá. Hơn nữa, chúng tôi câu hết cá trong hồ, chẳng còn bóng ma nào để sinh sản nên năm sau hồ hết sạch cá, chúng tôi đều chết đói. Vậy chứng tỏ là những tài nguyên chung rất dễ bị bóc lột và phản tác dụng, trở thành Market Failure. Khi ai cũng chỉ nghĩ về lợi ích của bản thân, những điều kinh khủng sẽ xảy ra. Sau đó, chúng tôi đã nghĩ ra các “luật câu cá” để đảm bảo những người câu vẫn có lợi, nhưng vẫn bảo vệ được tài nguyên chung.

Ngoài ra, chúng tôi được học về khái niệm Triple bottom line nôm na là những ảnh hưởng tiêu cực/tích cực trong kinh tế sẽ ảnh hưởng tương tự lên môi trường và xã hội:

Hình bên trái (vicious circle): Dân trong xóm nghèo (kinh tế) ➜ Quay sang cướp bóc, xóm trở nên tị nạn, nguy hiểm hơn (xã hội) ➜ Chính phủ thấy xóm này “không phát triển” nên quyết định đặt nhà máy xử lý rác thải, khí độc tại xóm. Môi trường trở nên bẩn thỉu, ô nhiễm (môi trường) ➜ Dân ốm nhiều hơn, tốn nhiều phí nhập viện. Nhiều thị nạn nên chính phủ phải chi nhiều hơn cho an ninh, xây tù, dập tị nạn (kinh tế)…

Hình bên phải (virtuous circle): Sửa sang công viên, trồng nhiều cây tại nơi công cộng trong một thành phố nhiều tị nạn (môi trường) ➜ Dân thành phố cảm thấy an toàn và ra đường, dạo chơi nhiều hơn. Vì đường đông người, ít vụ cướp giật xảy ra hơn (xã hội) ➜ Các doanh nghiệp thấy thành phố có “hồn” trở lại nên quyết định đầu tư vào thành phố. Dân thành phố có nhiều cơ hội, việc làm mới, trở nên giàu có hơn (kinh tế).

Có lẽ đây là lớp học nặng nhất, yêu cầu sự tự giác và cố gắng cao nhất tôi từng trải qua trong cả 19 năm ăn học. Tuy vậy, nó vẫn là sự thành công lớn bởi tôi đã thu hoạch được quá nhiều. Giờ đây, tôi hiểu rõ hơn cách con người đưa ra quyết định, cách các luật về kinh tế hay môi trường có thể giúp xã hội cân bằng hơn, và nhìn ra được những mối liên hệ kinh tế trong đời sống hàng ngày. Tôi có cảm giác sau khóa này, mọi quyết định tôi đưa ra sẽ được tính toán kỹ lưỡng hơn hẳn.

Xác suất thống kê (Statistics)

Tiếp đến, chúng tôi học Statistics với thầy Bo. Thầy bị mắc kẹt ở Hà Lan do dịch, nên dạy chúng tôi trực tuyến, qua một mô hình “flipped classroom” (lớp học đảo ngược) nơi học sinh sẽ tự chuẩn bị kiến thức ở nhà trước, rồi đến lớp chỉ giải bài tập cùng nhau. Học online nhưng chúng tôi vẫn phải đến lớp. Tuy nhiên, có hôm tôi đi biển nên xin học online qua link Microsoft Teams, các bạn trong lớp nhìn thấy nên các buổi sau thi nhau xin link học, lớp vắng đi một nửa (đây là một minh chứng rõ rệt cho crowd-effect).

Ngành kinh doanh giờ cũng data-driven chứ không cảm tính như thời xưa, nên thầy đã trang bị cho chúng tôi cách Hypothesis Testing (Kiểm định giả thuyết thống kê) cũng như cách chạy Regression Analysis (Phân tích hồi quy) để tìm ra mối liên quan giữa những sự kiện, hoặc test xem cách làm của ta hay của Cô Thủy Bàn Bên đúng hơn. Giả sử chúng tôi muốn test xem những yếu tố gì ảnh hưởng đến existential crisis (tạm dịch là “tram kam” thân thương) của học sinh, ta có thể thực hiện phân tích hồi quy như sau:

Như vậy, công thức tính sự tram kam sẽ là:

Y (Độ Tram Kam) = 2.536 + 0.314*Số mì gói + 0.022*Người Yêu + 0.397*Deadline Trong Ngày + 0.022*Giao Tiếp Xã Hội.

Kiểu kiểu thế.

Bộ môn này cũng dạy chúng tôi sử dụng công thức Excel đủ thông thạo để người khác nhìn vào há hốc mồm (bạn có tin nếu tôi nói party trick của tôi là trổ tài Excel không?) và tôi rất háo hức để được test kỹ năng phân tích dữ liệu chúng tôi học được vào những vấn đề thật. Đến cuối kì, cả lớp đã rèn được kỹ năng tự học, tự mầy mò kiến thức trên mạng, đứa này chỉ cho đứa kia. Bằng cách kì lạ nào đó, sự “kêu ca” chung rồi “vượt khó” chung đã tạo nên một tập thể rất chi là đoàn kết và vui tính.

Agile Innovation

Tại khóa học về tư duy đổi mới này, chúng tôi ghép đội để tự lên ý tưởng, tạo ra sản phẩm giải quyết vấn đề nghiêm trọng của thế giới. Thầy Vũ hướng dẫn chúng tôi  nhận biết những thứ “chưa đúng” trong xã hội và khiến nó trở nên “đúng hơn” theo một cách riêng biệt, mới mẻ. Nhóm tôi đã lên ý tưởng phát triển một ứng dụng giải quyết đồng thời vấn đề lãng phí thực phẩm và nạn đói, rồi thêm cả một ứng dụng về vấn đề rác thải.

Tôi học khóa này xong hơi hoa mắt tại nhìn đâu cũng thấy ý tưởng mới, làm tôi phải làm một cuốn sổ tên là “Invention Book.”

Một số ý tưởng trong “Invention Book” của tôi.

Tiếng Anh (Academic English)

Cuối cùng chính là môn Tiếng Anh, nơi chúng tôi được hướng dẫn cách viết đủ kiểu luận trên đời (comparison essay, cause and effect essay and argumentative essay). Tôi còn nhớ rất rõ lần các thầy cho chúng tôi chơi Marshmallow and Spaghetti Challenge. Luật nôm na như sau: Bạn được phát một nhúm mì spaghetti, một nhúm “bột dính” và một cái kẹo dẻo marshmallow rất béo và trong 20 phút bạn phải xây cái tháp cao nhất có thể bằng đống đồ đó. Tháp đội nào cao nhất thì sẽ thắng. Cả lớp loay hoay một hồi rồi vẽ ra mấy hình như sau:

Điều kỳ lạ ở đây là ở vòng “góp ý thiết kế” nhóm chúng tôi được tất cả các đội chấm cho 10 điểm. Thiết kế trông vững thế mà lại còn vẽ đẹp nữa! Đội khác (mẫu ở giữa) thì lại bị “cảnh cáo” là mẫu tháp này khó mà đứng được. Đến cuối, thiết kế của chúng tôi tuy đẹp nhưng khi dựng lên lại vô cùng lỏng lẻo. Các đội đi qua thấy nó đẹp cứ khen, nhưng cuối cùng nó chẳng chống cự được bao lâu. Bất ngờ thay, cái đội ban đầu bị chê “thiết kế xấu” lại dành giải tháp cao và chắc nhất! Dù các thầy muốn chúng tôi rút ra bài học về cách viết luận thông qua trò chơi này, nhưng tôi lại rút ra thêm mấy bài như sau:

  1. Lên kế hoạch đẹp đẽ thì dễ. Thực hiện được kế hoạch đó mới khó. Đời không như là mơ, tình không như là thơ.
  2. Đến cuối thứ ta cần là kế hoạch/sản phẩm CHẠY ĐƯỢC, chứ không phải kế hoạch/sản phẩm nhìn đẹp, nghe hay. Viết văn cũng thế: viết rõ ý còn hơn là dùng nhiều từ hoa mỹ mà chả hiểu viết cái gì. Đôi khi giải pháp khả thi nhất là một giải pháp thô sơ, hơi xấu xí, không đẹp như mơ.
  3. Nếu thấy kế hoạch gốc có dấu hiệu không tốt mà cứ giữ khư khư, không chịu sửa thì sẽ chết. Tốt nhất là vừa làm vừa sửa, chứ không nên đợi đến khi chết ngỏm rồi mới chịu sửa.
  4. Kẹo dẻo marshmallow là luận điểm của bạn, các sợi mì là những ý tưởng và nhúm bột dính là các câu từ kết nối. Cả cái mô hình (mì, bột dính) sẽ phải support miếng kẹo, như cải bài viết sẽ phải support luận điểm chính vậy.
  5. Nếu bạn tin vào những thứ mình đang làm và hiểu về nó sâu sắc, bạn có thể thành công bất chấp người ngoài phán xét gì. Chúng tôi (người ngoài) đã phán xét mẫu của đội bạn rằng nó sẽ “không đứng được” vì chúng tôi không hiểu, nhưng vì họ vẫn tin vào bản thân nên họ đã chiến đấu đến cùng… và thắng!

Ngoài ra, từ khi học Microeconomics với Lịch Sử Việt Nam xong tôi dùng rất nhiều kiến thức từ hai môn đấy để viết luận cho lớp Tiếng Anh. Các bạn tôi cũng hay bị vậy, nhưng biết gì không? Tôi nghĩ đó là một điều rất thú vị, bởi nó chứng tỏ rằng chúng tôi đã biết móc nối kiến thức của môn này để giải quyết các vấn đề môn khác. Giờ đây những vấn đề chúng ta phải đối mặt đều quá phức tạp để được giải quyết bằng kiến thức từ một ngành, vậy nên tôi rất tự hào khi bản thân và các bạn biết “connect the dots” để tìm những góc nhìn, giải pháp sâu sắc và đa dạng hơn.

Hoạt động khác của College of Business & Management

Ngoài các khóa học trên, chúng tôi còn được dự rất nhiều hội thảo, lớp học khác với những chuyên gia trong ngành quản trị, khởi nghiệp hay sáng tạo. Họ đã chia sẻ những kinh nghiệm xương máu và câu truyện chân thực vừa khiến chúng tôi lo lắng về hành trình gồ ghề phía trước, nhưng mặt khác lại háo hức vô cùng.

Seminar cùng những chuyên gia từ lĩnh vực Công Nghệ – Kinh Doanh về Tư Duy Khởi Nghiệp.
Nhóm chúng tôi được giải nhất cuộc thi thiết kế huy hiệu cho Trường! Chúng tôi đã chọn mascot là chim Phượng Hoàng với lời nhắn nhủ – chim phượng hoàng phải chết đi rồi mới rực lên được, cũng như sinh viên CBM sẽ vượt dậy sau mọi thử thách, thất bại. Hãy giữ một “trái tim lửa bỏng” và vươn đôi cách bay thật xa.
VinBusiness Insider Coffee Chat “Giải Mã Ngành Nghề – Con đường sự nghiệp của ngành nghề Tài chính – Kiểm toán” cùng ông Nguyễn Chí Trung (CEO Grant Thornton Vietnam) và ông Trần Lê Minh (Deputy CEO VietFund Management).
Distinguised Lecture Series cùng giáo sư Gary Thompson với chủ đề “Integrating Teaching, Research, and Industry Relations for Synergy and Relevance” (nhấn vào link để xem tất cả các bài giảng thuộc series).

Tóm cho nó lại, ngoài việc “thu hoạch” được rất nhiều kiến thức như trên, kỳ I tại CBM đã cho tôi nếm vị “làm người lớn độc lập” và cũng cho tôi gặp những con người hết sức thú vị. Sau 5 tháng thử rồi sai… rồi thử tiếp… rồi vẫn sai (nhưng sai ít hơn) cùng nhau, chúng tôi đã đúc kết ra nhiều “kinh nghiệm chiến đấu” quý giá và chắc chắn sẽ bước vào kỳ sau vững vàng hơn. Tuy có lúc chúng tôi tưởng rằng suýt “Ngột Ở Kỳ Một” đến nơi, sau đó chúng tôi đều vẫy vùng nổi lên được, vã vẫn đang bơi tiếp rất chi là khỏe.

Bơi khỏe thế mong rằng không Đau Vai ở Kỳ Hai.

Hì.

One thought on “Phiêu Lưu Kì Thú của Trường Quản Trị, VinUniversity – Suýt Ngột ở Kỳ Một

  1. Hay quá ạ. Mình cũng đang học chương trình liên kết quốc tế của trường kinh tế top ở HCM với 1 trường bên Pháp mà mình thấy chương trình học cũng kiểu lên nghe giảng thôi chứ chả thấy làm practical gì như môn Statistic và Micro của bà. Nói chung là chương trình học nó cũng như học bên đại trà vậy chả có gì đặc sắc. Đọc bài của bà làm tui thấy ngưỡng mộ về độ khó của chương trình học nhưng cũng giúp sinh viên học được nhiều như của trường bà. Mê cái cách cả lớp bà cùng nhau hợp tác, học hỏi lẫn nhau chứ không như bên tui.
    Bà viết đọc cũng bánh cuốn lắm ạ.

    Like

Leave a comment